Bộ trưởng Bộ Y tế: Chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19
Chiều 29/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các Bộ trưởng Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính đã giải trình ý kiến các ĐBQH.
Giải trình những ý kiến đại biểu về việc công bố hết dịch Covid-19, chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch Covid-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc. Bộ Y đang đã chủ trì cùng với các bộ ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 bàn thảo các cái nội dung liên quan.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, đặc biệt sau thời gian hậu Covid-19, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế. Với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh…
Về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ trưởng cho rằng, năm 2018 Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai thực hiện, phương thức triển khai thực hiện…
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ một số vấn đề liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để rà soát và tập trung hoàn thiện quy định pháp luật để giải quyết những vướng mắc hiện nay.
Về vấn đề mua vaccine tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tiền mua được bố trí từ ngân sách. Về đầu tư cơ sở vật chất y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết Nghị quyết 43/2022/QH15 đã bố trí nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho y tế cơ sở. Ngoài ra còn bố trí ngân sách địa phương và ngân sách trung ương cho việc đầu tư các dự án để sửa chữa, nâng cao và hiện đại hóa y tế cơ sở. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về chính sách cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế, ưu đãi nghề và bảo hiểm y tế để tiếp tục hoàn thiện.
Về vấn đề bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay bảo hiểm y tế chỉ thu 4,5%, trong đó 1,5% là người lao động nộp, 3% là người sử dụng, đơn vị sử dụng lao động nộp. Có nghĩa là Quỹ Bảo hiểm y tế có hạn, trong khi chi ra gần như không hạn chế, nên phải quản lý theo dự toán. Nhưng có hiện tượng là hiện nay y tế cơ sở, y tế cấp dưới đẩy lên y tế cấp trên; y tế cấp trên lại chuyển lên y tế cấp cao nhất. Bộ trưởng Hổ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, khi sửa đổi sửa Luật Bảo hiểm y tế sẽ lưu ý đến vấn đề cấp bù ngân sách để đảm bảo cho thanh toán y tế một cách thuận lợi nhất.
Về Quỹ Vaccine hiện nay thu được 10.791 tỷ đồng, trong đó chi ra mua vaccine là 7.672 tỷ đồng, còn dư 3.118,9 tỷ đồng. Trong bối cảnh chưa từng có nhưng Chính phủ đã rất quyết liệt, Thủ tướng chỉ đạo nhanh chóng để xây dựng quy chế và thành lập Quỹ vaccine. Nhờ có thành lập Quỹ vaccine đã giúp có ngay nguồn lực để chủ động về vấn đề mua vaccine. Đồng thời, trong xuất hàng viện trợ, các cơ quan cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau để đảm bảo tinh thần chống dịch như chống giặc, kịp thời cứu người dân.
Giải trình ý kiến của các ĐBQH về việc “thắng dịch nhưng mất người”, nhiều cán bộ, bác sĩ trong đại dịch thì lo chống dịch nhưng sau dịch phải lo viết bản giải trình… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thành công trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 có vai trò rất quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đại dịch đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong bộ máy tổ chức và các mặt hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở, vẫn còn những sự thiếu đồng bộ cả về mô hình tổ chức lẫn thực tiễn quản lý. Cùng với đó, nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Do đó, cần đồng bộ trong việc giải quyết tổ chức, bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể; đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe của nhân dân.
Trung Kiên
NGUỒN: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bo-truong-bo-y-te-chuan-bi-cho-viec-cong-bo-het-dich-covid-19-1491909153