Vi phạm nồng độ cồn, không ký biên bản bị xử phạt như thế nào?

Thời gian vừa qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc xử lý vi phạm giao thông. Trong đó có trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn song không ký vào biên bản xử phạt và bỏ lại xe; trường hợp tài xế bị phát hiện dương tính với ma túy khi lái xe…
 Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

* Bạn đọc Trần Quốc T (Quỳnh Phụ, Thái Bình) hỏi: Đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, sau đó không ký vào biên bản xử phạt và bỏ lại xe thì bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, lực lượng chức năng các địa phương trên cả nước đang tích cực ra quân rà soát người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn để xử lý, kể cả những cán bộ trong ngành công an, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý, thậm chí gửi thông báo về cơ quan quản lý cán bộ để xử lý kỷ luật cán bộ không tuân thủ quy định pháp luật. Động thái này thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành để người dân khi tham gia giao thông “nói không với việc sử dụng rượu, bia”.

Kết quả ban đầu, phần lớn người dân đã nâng cao ý thức chấp hành. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý đối phó, bất chấp các quy định pháp luật, thách thức và chống đối lực lượng chức năng khi bị xử lý về nồng độ cồn, thậm chí không ít trường hợp “bỏ lại xe” không hợp tác nhằm né tránh bị xử lý.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt 2-8 triệu đồng (đối với xe máy) và 6-40 triệu đồng (đối với ô tô). Trường hợp người vi phạm cố tình không ký vào biên bản, lực lượng chức năng hoàn toàn có quyền lập hồ sơ, biên bản xử lý nếu chứng minh tài xế không hợp tác. Việc chứng minh thông qua hình ảnh, video clip, mời người làm chứng (đại diện chính quyền địa phương, nhân chứng tại thời điểm đó)… Đặc biệt, nếu tài xế vi phạm nồng độ cồn mà bỏ xe, không ký vào biên bản vi phạm có thể bị phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Từ quy định trên có thể thấy nếu vi phạm nồng độ cồn mà bỏ xe, không ký vào biên bản thì người vi phạm vẫn sẽ bị xử phạt, thậm chí còn bị xử phạt thêm lỗi khác như đã nêu trên.

* Bạn đọc Nguyễn Thị H (Thái Nguyên) có câu hỏi: Trong trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị phát hiện dương tính với ma túy sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự?

Đối với câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, theo quy định tại khoản 7, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 việc tài xế “Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà tài xế sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi sử dụng chất ma túy nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tài xế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về hành vi “Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy” mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng theo quy định điểm h, khoản 11, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Trường hợp nếu tài xế sử dụng ma túy mà gây tai nạn mà hậu quả thuộc một trong 04 trường hợp như: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể “Trong tình trạng có… sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”. Khung hình phạt mà tài xế phải đối mặt là từ 03-10 năm tù, ngoài ra còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người liên quan theo quy định tại Điều 589, Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015./.

PV
NGUỒN: https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/vi-pham-nong-do-con-khong-ky-bien-ban-bi-xu-phat-nhu-the-nao-656977.html