Chiều 28/9 tại Nhà Quốc hội, 306 đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã chia làm 12 tổ thảo luận về 2 chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
306 đại biểu “Quốc hội trẻ em” được chia làm 12 tổ thảo luận |
Thảo luận về chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường”, các đại biểu nhận định, bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, để lại không ít hậu quả đau lòng.
Đại biểu “Quốc hội trẻ em” Nguyễn Trần Bảo Thức (Đắk Nông) dẫn số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 9/2021 – 11/2023 cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ. Nhiều học sinh bị bạo lực nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, không dám nói lên tiếng nói của mình khiến cho tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn.
Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Trần Bảo Thức bày tỏ: Gia đình, nhà trường cần tạo môi trường an toàn, gần gũi để con em tự tin, mạnh mẽ không lùi bước trước kẻ bắt nạt và có giải pháp giải quyết xung đột.
Đại biểu Đặng Minh Hoàng (Quảng Ninh) đề xuất, mỗi trường cần có một “Phòng tham vấn tâm lý học đường” nhằm giải quyết các vấn đề tâm lý của học sinh. Đến đây, các bạn học sinh sẽ có không gian riêng để bộc bạch, sẻ chia cảm xúc cũng như dễ dàng bày tỏ câu chuyện của mình và được giữ bí mật.
Đại biểu Đậu Trần Hàn My, lớp 9D, Trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các bậc phụ huynh cần hỗ trợ nhà trường trong giám sát và ngăn chặn hành vi bạo lực, đặc biệt quan tâm đến học sinh có nguy cơ, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Và mỗi học sinh phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu rằng, mỗi hành vi dù là nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến họ.
Đại biểu thảo luận về 2 chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” |
Thảo luận về chủ đề “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, đại biểu Trần Bảo Châu (Hà Nam) cho rằng, chính các quảng cáo thuốc lá điện tử “an toàn hơn” thuốc lá truyền thống, nhiều hương vị đa dạng, thiết kế bắt mắt thu hút thanh thiếu niên. Ngoài giáo dục, truyền thông về tác hại, cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ quảng cáo bán thuốc lá điện tử, siết chặt kiểm tra độ tuổi người mua.
Đại biểu Nguyễn Thái Bình Nhi (Khánh Hoà) quan ngại: “ở địa phương tôi, ghi nhận nhiều trường hợp học sinh sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học. Theo Điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, số lượng sử dụng ngày càng gia tăng và đáng báo động khi 3,5% đối tượng hút thuốc lá nằm trong lứa tuổi từ 13-15 tuổi. Trên các trang mạng xã hội cũng như thực tế, có rất nhiều phương tiện quảng cáo, bày bán các sản phẩm thuốc lá, chất kích thích như rượu bia, tiếp cận trực tiếp đến thế hệ trẻ đang trong lứa tuổi tò mò. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của học sinh mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục của nhà trường.
Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần phải phối hợp với nhà trường, thắt chặt việc giám sát và giáo dục học sinh trong việc lưu trữ, sử dụng chất kích thích, tích cực quan tâm đến học sinh, xử lí các trường hợp học sinh vi phạm và báo cáo về cho phụ huynh học sinh để nắm rõ tình hình. Bên cạnh đó,các chương trình giáo dục về kỹ năng sống cần được lồng ghép vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh nhận thức rõ tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử. Tăng cường tuyên truyền dưới cờ về phòng chống thuốc lá, xây dựng tiểu cảnh, hoạt động trải nghiệm về thuốc lá để thu hút học sinh”.