Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Tổng kết các kết quả và kinh nghiệm thực hiện truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân và cộng đồng” diễn ra dưới hình thức trực tuyến ngày 28/9, thu hút sự quan tâm của gần 100 đại biểu đến từ nhiều điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc Quốc gia tổ chức Oxfam đã nhấn mạnh tới vai trò then chốt của việc tăng cường hiểu biết và tiếp cận cho người dân về pháp luật. Quỹ JIFF là một trong hai hợp phần trong dự án EU JULE – do phái đoàn Liên minh châu Âu tài trợ và Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản. Dự án góp phần nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ cũng như hiểu biết về pháp luật.
Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, PBGDPL từ dự án “Tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Hoà Bình trong phòng chống bạo lực giới” trên địa bàn Hòa Bình, bà Tạ Thị Nga, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hoà Bình, phụ trách dự án, cho rằng phải tập trung vào các phương thức để tăng cường nhận thức của người dân. Đáng chú ý là từ đặc thù của địa phương, với sáng kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, được tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó chú trọng phát huy tốt hệ thống cơ sở và tổ chức của đơn vị. “Chúng ta cần tuyên truyền cho cả 2 đối tượng: Người bị bạo lực và người gây ra sự bạo lực để hai bên cùng hiểu rõ liên quan đến vấn đề bạo lực giới” – bà Nga cho biết.
Các đại biểu dự trực tuyến trên nền tảng zoom (Ảnh chụp lại từ màn hình Hội thảo trực tuyến) |
Đề cập tới ứng dụng công nghệ trong hoạt động hỗ trợ người khuyết tật và trợ giúp pháp lý (TGPL), ông Nguyễn Văn Cử, Trung tâm Khuyết tật và Phát Triển (DRD) đã giới thiệu Bộ cờ tỷ phú hoà nhập nói về quyền để tăng cường hiểu biết về người khuyết tật. Trong đó, đặc biệt đã triển khai hoạt động dạy chatbot nhận biết vấn đề và trả lời tự động để hỗ trợ người khiếm thính khi tiếp cận các vấn đề pháp luật nói riêng và các vấn đề khác nói chung.
Đánh giá về công tác PBGDPL cho người dân, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phổ biến Pháp luật, Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số vấn đề chính về một số kết quả triển khai công tác PBGDPL cho người dân, tập trung vào đối tượng yếu thế, mô hình triển khai PBGDPL có hiệu quả, những khó khăn trong thực tiễn, một số đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Đặc biệt, Trưởng phòng PBGDPL đã nhấn mạnh tới nguyên lý Pareto với việc dành 80% nguồn lực xã hội để phục vụ cho 20% các đối tượng thuộc nhóm dễ tổn thương, nhóm yếu thế.
“Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin qua mạng xã hội phát huy hiệu quả qua việc chủ trương chính sách và thông tin pháp luật đến người dân cơ sở. Mô hình thi tìm hiểu pháp luật có ý nghĩa quan trọng với bối cảnh hiện nay. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong GDPBPL đồng thời xã hội hoá, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng các sửa đổi căn cơ dễ dàng hơn”- bà Hà thông tin thêm.
Một số phương pháp tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật (Nguồn: Ban tổ chức) |
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Uỷ ban Dân tộc đã báo cáo Tổng kết Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021. Trên cơ sở đó, đã đề xuất tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Dân tộc và các bên liên quan, tập trung xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, duy trì tính thống nhất trong cách truyền đạt và chia sẻ thông tin. Theo ông Thắng, trong bối cảnh với những người dân tộc thiểu số có ngôn ngữ, văn hoá khác cần phải có cách thức truyền tải, phương pháp phối hợp phù hợp. Trước bối cảnh này, phương pháp tuyên truyền PBGDPL cũng đang được thực hiện qua một nhóm được bầu (già làng, trưởng bản) trong thôn với các thành viên nói được nhiều ngôn ngữ, chia sẻ với người dân trong vùng.
Chia sẻ thêm kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền PBGBPL cho người yếu thế trong tỉnh Hoà Bình, ông Lưu Văn Thường, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hoà Bình cho rằng, đổi mới nội dung, phương thức qua cách tổ chức các vở kịch tuyên truyền, qua những câu chuyện một cách đơn giản, dễ hiểu và ghi nhớ để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đặc biệt với các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, nhóm dân tộc thiểu số, có thể xem xét phương pháp hình ảnh hoá thông tin, dùng ngôn ngữ phù hợp với nhóm đối tượng ở địa bàn trình độ dân trí thấp…
Đồng quan điểm trên, ông Phan Trọng Hùng, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Bình khi chia sẻ về một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền PBGDPL cho người yếu thế trong xã hội bổ sung thêm, việc thiết lập đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cơ sở là những người bản địa có chung văn hoá, ngôn ngữ để hỗ trợ tư vấn, thay đổi nhận thức của cộng đồng trong công tác pháp luật.
Một số hình ảnh của các sáng kiến nhận tài trợ từ Dự án (Nguồn: Ban tổ chức) |
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Phương Thịnh, Phó Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết địa phương này đã áp dụng hình thức tờ rơi về đường dây nóng hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ tại Đồng Tháp rất hiệu quả.
Có thể thấy, công tác nâng cao nhận thức, tuyên truyền PBGDPL luôn được quan tâm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thật sự, rất cần xác định nhu cầu của người dân thông qua tổ chức khảo sát đánh giá; lựa chọn các phương pháp truyền tải thông tin người dân lựa chọn để xác định nội dung, thiết kế cách tiếp cận đến người dân; quán triệt cách thức triển khai các hoạt động về tuyên truyền GDPBPL cho người dân. Đồng thời, phải chú trọng tới vai trò không thể thiếu của đội ngũ tuyên truyền của tổ chức với thái độ cởi mở, chân thành của người tuyên truyền. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt nhưng cần thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, cần được xã hội hoá và tạo cơ chế thuận lợi để đồng hành với nhà nước./.